Yêu Đường Lâm

Yêu Đường Lâm
Vẽ sơn dầu trên vải bố
95/115/2020
( tranh thuộc sở hữu nst)
Trong ánh mắt của tâm hồn ưa hoài niệm,Đường Lâm hiện lên trong tranh như một cô gái quê chẳng cần điểm tô chút tân kỳ. Những ngôi nhà mái lợp ngói cong như mũi hài nằm lúp xúp kề vai nhau dãi dầu đợi người đi xa quay lại.
Không chỉ giai xứ Đoài có giá về khả năng mỹ thuật, mà gái xứ Đoài cũng rất có năng khiếu về văn học thơ ca. Các chàng trai muốn rước được nàng về dinh thời xưa toàn phải mua gạch nộp để làng lát đường, khả năng tài chính không cho phép thì tự đóng đủ để nung cho chín. Gạch lát đường thời xưa thường lát nghiêng để cho lâu mòn, nhưng ngày nay thì nhiều điều đã đổi khác. Mặt trời mùa hạ hình như ưu ái hơn, nắng những ngày giữa hạ vàng như đổ mật. Người ta biết ĐL còn qua tiếng hát của nữ NSUT Hồng Liên với một nhạc phẩm của Cố ns Trần Hoàn. Lúa vẫn thẳng hàng nhưng người dân nơi đây không còn trồng thuốc lá. Đá ong là thứ rất đặc trưng của vùng đất này, thứ vật liệu xây dựng không cần qua lửa. Người thợ gạt bỏ lớp đất thịt, sắn sâu xuống là từng khối đất đá vàng như mật ong, khi nhấc lên khỏi mặt đất, nắng gió làm nó kết dính, keo lại ngả mầu cánh dán, càng nhiều năm tháng thì chuột cũng vái chào không dám đào vách. Cây cột điện là thứ minh chứng để kết nối sự văn minh. Cột thu sóng ti vi vẫn còn hiện hữu mặc dù đời sống ngày nay cũng không thiếu các dịch vụ viễn thông.
Mầu gạch đá, ngói hài, đằm thắm, phồn hậu như chính tâm hồn của dân bản xứ. Nét đặc trưng của một làng cổ bắc bộ, dù trải qua nhiều biến thiên cũng khó phai mờ. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *